Quản lý Trang thiết bị Y tế trong thời kỳ hội nhập

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013
Ngành Y tế Việt Nam đang tiến tới hội nhập ASEAN, khu vực và Quốc tế trong lĩnh vực Trang thiết bị Y tế (TTBYT) với mục tiêu hòa hợp các quy định quản lý TTBYT, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận công nghệ mới ở tất cả các khu vực trên thế giới. Trong những năm vừa qua, ngành Y tế đạt rất nhiều thành tựu trong lĩnh vực đầu tư cũng như quản lý về nhập khẩu, lưu hành TTBYT…. Nhưng để ngành Y tế thực sự hội nhập quốc tế trong lĩnh vực TTBYT còn nhiều điều phải làm.


Những rào cản ban đầu trong thủ tục nhập khẩu

Việc đưa ra những quy định nhập khẩu TTBYT nhằm mục đích đảm bảo các thiết bị y tế trên thị trường đạt chất lượng, an toàn cho cộng đồng. Đồng thời tạo ra sự thuận lợi cho đơn vị kinh doanh và quản lý. Song trên thực tế trong quá trình triển khai các quy định có nhiều vướng mắc.

Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Tân Sơn Nhất, ông Nguyễn Xuân Bình cho biết, đặc thù của cửa khẩu là chuyên xử lý những hàng hóa nhập khẩu tương đối mới, trị giá rất cao và thời gian lưu kho (để thẩm định) không thể kéo dài nhất là những TTBYT chuyển phát nhanh. Trong khi đó, những quy trình kiểm tra cứ thay đổi (theo các thông tư hướng dẫn thực hiện). Quy định này chưa hết hiệu lực đã có quy định khác thay thế. Dẫn đến nhân viên hải quan gặp nhiều rắc rối khi thẩm định thiết bị y tế đó nằm trong danh mục không phải xin cấp giấy phép nhập khẩu hay không? Do vậy, đòi hỏi phải có Nghị định về việc nhập khẩu TTBYT mang tính pháp lý, cụ thể cao hơn để các nhân viên căn cứ vào đó thực hiện.

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng TTBYT chưa có mã vạch để tính thuế, do vậy nhân viên hải quan không biết cách áp giá cho từng thiết bị như thế nào? Hơn nữa, TTBYT thay đổi liên tục theo công nghệ và nhu cầu, việc xác định đó là thiết bị mới hay cũ vô cùng khó khăn. Mà việc xác định đó lại liên quan đến việc thiết bị đó có phải xin giấp phép hay không? Những trường hợp như vậy hải quan không còn cách nào khác là buộc các doanh nghiệp phải liên hệ với Vụ Trang thiết bị và Công trình Y tế (TTB và CTYT) xác minh.

Ông Trương Hùng, Phó Chủ tịch Hội TBYT Việt Nam chia sẻ, các vật phẩm sinh học là những vật phẩm nằm trong vùng “giáp ranh” giữa hóa chất, dược, TTBYT. Trong hồ sơ sản phẩm ( từ nơi sản xuất) có ghi rõ đó là TTBYT, thế nhưng hải quan vẫn yêu cầu doanh nghiệp đến Vụ quản lý Dược xác nhận vật phẩm sinh học này thuộc TTBYT. Vì nếu là sản phẩm dược hay hóa chất lại có những quy định khác trong nhập khẩu. Ngoài ra, đối với các vật tư hao mòn dùng trong y tế như các linh kiện điện tử, bo mạch, bóng đèn X-quang…. .

Mặc dù doanh nghiệp mua về với mục đích dùng trong y tế và có ghi rõ trong hồ sơ thiết bị. Nhưng đơn vị hải quan vẫn yêu cầu giải trình qua nhiều bước để xác minh được những thiết bị đó dùng trong y tế. (những thiết bị này nếu dùng ngoài y tế, mức thuế thường rất cao). Điều này gây khó khăn trong việc hợp tác với công ty nước ngoài. Đối tác sẽ nhận định nhập khẩu TTBYT vào Việt Nam gặp nhiều trở ngại, rắc rối và nguy cơ cắt nguồn hàng rất cao. Trong khi về vấn đề bảo dưỡng kỹ thuật, các doanh nghiệp phải “gồng mình” bảo hành trong một năm hay hai năm cho các thiết bị, nên nếu bị ngưng cung cấp các thiết bị hỗ trợ sửa chữa, doanh nghiệp không biết phải giải thích như thế nào cho khách hàng. Do vậy, cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý mong muốn các các bộ ngành có những quy định rõ ràng hơn, tránh gây kéo dài thời gian trong quá trình làm thủ tập nhập khẩu.

Theo Vụ TTB và CTYT, hiện nay trên thế giới và khu vực cũng đang có sự xem xét cách quản lý những sản phẩm giáp ranh. Và tại Việt Nam , các bên có sự thống nhất ban đầu những sản phẩm đi vào cơ thể con người bằng đường uống đường truyền sẽ do các cơ quan dược quản lý, giải quyết. Đối với những sản phẩm đi kèm theo máy và vật tư hóa chất hoặc không dùng với máy y tế nhưng để chẩn đoán bên ngoài sẽ do Vụ TTB và CTYT quản lý…

Thay đổi cách quản lý TTBYT

TTBYT là loại hàng hóa đặc biệt. Ngoài yếu tố được bán sử dụng như các loại hàng hóa bình thường, còn có một yếu tố khác là người mua TTBYT đòi hỏi sự hướng dẫn cách sử dụng để đáp ứng yêu cầu mục tiêu chữa bệnh trong y tế cũng như vấn đề bảo trì, để đảm bảo toàn bộ quá trình hoạt động của trang thiết bị đó. Do vậy, những năm sắp tới, ngành y tế sẽ thay đổi cách quản lý TTBYT theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Đây cũng là xu hướng phù hợp trong bối cảnh hội nhập và sự cạnh tranh trên thị trường hiện nay.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ TTB và CTYT, ngành y sẽ quản lý các thiết bị được nhập theo đối tượng và thị trường. Đối với các doanh nghiệp muốn kinh doanh TTBYT họ phải trả lời được câu hỏi là đã hội đủ các điều kiện pháp lý, có sự hiểu biết về nhập khẩu/sản xuất TTBYT tại Việt Nam hay chưa? Có như vậy mới giúp cho nhà sản xuất đảm bảo các sản phẩm TTBYT sản xuất ra được ổn định. Đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, có chất lượng phù hợp điều kiện tự nhiên, mục đích sử dụng đồng thời vẫn tuân thủ các yêu cầu về quản lý tại Việt Nam .

Khi các sản phẩm TTBYT được phép lưu hành, công việc quản lý tiếp theo sẽ thuộc các Sở Y tế, hay chi cục các cấp từ Trung ương đến địa phương. Sau khi qua khâu kiểm tra tại hải quan, các doanh nghiệp phải lưu giữ hồ sơ về những thiết bị nhập đó để trình khi cơ quan chuyên trách về TTBYT có yêu cầu kiểm tra. Và các đơn vị y tế cũng như các doanh nghiệp phải có bộ phận theo dõi các thiết bị y tế trong quá trình sử dụng. Qua đó, có những đánh giá chính xác về các sản phẩm đã được lưu hành: Liệu có các phàn nàn bất lợi về sản phẩm hay không? Có như vậy mới đưa ra những cảnh báo chính xác, nhanh chóng về những thiết bị không an toàn cho người sử dụng. Cũng như thu hồi sản phẩm, hay yêu cầu doanh nghiệp tạm ngưng nhập khẩu mặt hàng đó.

Không những thế, các doanh nghiệp khi đã đăng ký kinh doanh các mặt hàng liên quan đến máy móc y tế phải có đội ngũ nhân viên lắp đặt, hướng dẫn đơn vị mua cách sử dụng cũng như phải bảo hành sửa chữa khi sản phẩm có dấu hiệu hư hại. Và sắp tới, ngành y tế sẽ kết hợp với ngành công nghệ thông tin xây dựng phần mềm “Nhập khẩu trang thiết bị y tế”, tạo thành một kênh giao dịch thông tin điện tử trực tuyến. Vấn đề cập nhật thông tin về những sản phẩm y tế mới cũng như mọi vướng mắc về thủ tục nhập khẩu sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn…


Ông Trương Hùng cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung ứng sản phẩm thiết bị y tế, rất thiếu kỹ sư chuyên về máy móc y tế. Những kỹ sư hiện có, lại chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc vì họ chưa được đào tạo về bảo dưỡng thiết bị y tế. Hiện nay, ngành Kỹ thuật Y sinh đã được quan tâm đào tạo ở các trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc tế (thuộc đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) và trường Đại học Nguyễn Tất Thành (thành phố Hồ Chí Minh). Trong tương lai đây là đội ngũ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hậu kiểm thiết bị y tế. Đồng thời tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi kinh doanh hơn nữa cho các doanh nghiệp khi mà lộ trình hội nhập quản lý TTBYT trong khu vực đang diễn ra./.
Tags:

Ý kiến bạn đọc [ 0 ]


Ý kiến của bạn